Khai trình lao động là nghĩa vụ của ai?
Khai trình lao động là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Họ phải tiến hành khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương. ( Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 6 BLLĐ 2012).
Khoản 1 Điều 8 Nghị định 03/2014/NĐ-CP cũng có quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.”
Hồ sơ khai trình lao động
Việc khai trình lao động sẽ được thực hiện theo mẫu số 05 – ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 8 năm 2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 03/2014/NĐ-CP.
Không khai trình lao động thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Trước đây, việc không khai trình lao động trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày hoạt động sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, nghị định 88/2015/NĐ-CP đã bãi bỏ hiệu lực của một số điều, trong đó có Điều 25 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về hành vi xử phạt vi phạm hành chính nêu trên. Như vậy có nghĩa là, việc không khai trình lao động sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Liên quan đến vấn đề khai trình lao động, chúng ta có thể tham khảo một số văn bản sau:
- Điểm d khoản 2 Điều 6 Bộ luật lao động số 10/2012/QH13
- Khoản 1 Điều 8 Nghị định 03/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật lao động về việc làm
- Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật lao động về việc làm
- Điều 25 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng